Diễn đàn THCS Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

"hue thang 8"_1 bai tho ca tru tinh,lang man,doc dao

Go down

"hue thang 8"_1 bai tho ca tru tinh,lang man,doc dao Empty "hue thang 8"_1 bai tho ca tru tinh,lang man,doc dao

Bài gửi  thientrang92 12/11/2011, 11:31

Huế tháng Tám" - một bài ca trữ tình, lãng mạn, độc đáo
(GD&TĐ) - V.I. LêNin nói "Cách mạng là ngày hội của quần chúng". Nhưng ngày hội ấy không chỉ có hồ hởi, reo vui mà có cả hồi hộp, mong chờ, xao xuyến..., có tâm trạng của hàng triệu người nhưng cũng có những tâm trạng riêng, những biểu hiện cảm xúc riêng. Đó là nhận xét khái quát của tôi khi đọc lại "Huế tháng Tám", bài thơ Tố Hữu viết vào dịp khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Huế, khi nhà thơ cách mạng sắp tròn tuổi 25, đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa ở Huế.

Đêm trước của cách mạng tháng 8 được tác giả tả rất độc đáo, rất hấp dẫn. Ta không nghe tiếng bước chân rậm rịch hay tiếng "mài đao dưới nguyệt" mà lại thấy tâm trạng của con người, của người dân Huế có cái gì "khác, khác": "Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau/ Chân nôn nao như khách đợi mong tàu.../ Tim hồi hộp, vì sao ? Ai hẹn ước/ Ai đang về ? Dáng đó thấp hay cao?/ Mắt sáng ngời như lửa hay như sao? / Người hay mộng? Ngoài vào hang trong tới?". Đó là tâm trạng của người dân Huế chờ đón cách mạng và muốn hiểu về người cách mạng, về lãnh tụ cách mạng. Tâm trạng đó được ví với tình yêu. "Huế xôn xao, lo lắng những đêm mơ/ Khát khao hoài như cô gái mong chờ / Sau cửa hé người yêu chưa biết mặt". Ta thường nói Tố Hữu hay "biến cách mạng ca thành tình ca" như:Việt Bắc, Em ơi Ba Lan, Lá thư Bến Tre... Điều này thực ra đã có từ tập thơ đầu "Từ ấy" vì thơ Tố Hữu chính là tiếng ca của trái tim yêu cách mạng, yêu lí tưởng, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, Xuân Diệu xưa cũng đã từng viết: "Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình" (Gánh).

Là người rất yêu Huế, rất thuộc Huế nên Tố Hữu viết về đêm trước của cách mạng tháng 8 cũng rất Huế "Huế trầm mặc hôm nay sao khác, khác/ Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau..../ Trên Hương Giang mênh mang đò lặng ngắt/ Tiếng đàn im, ca kỹ nép phương nào? Trăng thì thầm chi với sóng lao xao...".

Và một điều độc đáo nữa là trong bài thơ này, không chỉ có nhân dân là nhân vật trữ tình, cũng không chỉ có tác giả, người cách mạng là nhân vật trữ tình mà có một ông vua, ông vua thời nô lệ, cũng vào vai nhân vật trữ tình, đó là Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, tác giả dùng từ gọi rất trang trọng "Đức Kim Thượng" và những hình ảnh rất sang trọng (ngọc điện, ngự lên lầu, hoàng bào...) nhưng không phải để đề cao, để nuối tiếc một vàng son mà để nói lên sự chấm dứt một thời đại, một chế độ, sự chấm dứt đó nó lớn lao đến mức chính nhân vật đại diện cho các chế độ đã phải tự nguyện chấp nhận như là một tất yếu, không thể khác trước sức mạnh của lịch sử, của nhân dân. Cảm giác cô độc, rùng mình của Bảo Đại trước sức mạnh đó bộc lộ sự suy tàn, yếu hèn cực độ của giai cấp phong kiến quý tộc, bù nhìn tay sai của thực dân Pháp. Đoạn thơ hơi dài và có tính trình diễn sân khấu này là sự hạ gục chế độ phong kiến, giai cấp phong kiến nhưng cũng là một sự vớt vát đối với danh dự của cựu hoàng, người trong giờ phút đó đã tuyên bố một câu "xanh rờn" duy nhất trong đời (và sau đó lại phản lại chính câu nói đó của bản thân): "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".




"Người rùng mình tưởng đứng đỉnh cù lao/ Nổi cô độc giữa gió triều biển động.../ Người phải xuống, đêm nay, đêm chiến bại/ Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son ! / Người phải lui cho dân tiến, nước còn...".

Đến đây thì bài thơ bắt đầu chuyển sang cao trào sử thi, cao trào cách mạng với những câu thơ đầy chất tráng ca "Hãy mở mắt quanh hoàng cung biển lửa/ Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao/ Mở mắt trông: trời đất bốn phương chào/ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy".

Ta tưởng từ phút này chỉ gặp những dòng người, những cờ xí, những súng gươm... Nhưng không, ta lại gặp một đoạn thơ trữ tình, trữ tình hơn hết, trữ tình của niềm vui, rất "Cách mạng tháng 8" nhưng cũng rất Tố Hữu. "Chừ đây Huế, xiềng gông xưa đã gẫy/ Đường lên đi sông núi của ta rồi/ Nước mắt ta trào híp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười trận khóc/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta/ Ta hít huyền thuyên, ta chạy khắp nhà/ Ai dám cấm ta say, say thần thánh". "Cách mạng là ngày hội của quần chúng", ta nói thêm cách mạng là ngày hội của mỗi con người và cách mạng tháng 8 là ngày hội vui hơn nhiều ngày hội lớn vì đó là sự chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân gần 100 năm và chế độ phong kiến mấy mươi thế kỷ như Bác Hồ đã nói trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Chất lãng mạn cách mạng, chất trẻ trung của chàng thanh niên 25 tuổi Tố Hữu bộc lộ một cách rất hồn nhiên, sôi nổi, tràn chảy hơn bao giờ hết, và có thể mới diễn tả được hết niềm vui của cách mạng thành công, của Độc lập tự do. Đặc biệt ở đây có những hình ảnh rất khoa trương mà lại rất chân thực, được mọi người chấp nhận, đồng cảm, đồng tình "Ngực lép 4000 năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời/ Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi/ Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ". Tố Hữu đã mượn một thoáng siêu thực để diễn tả một cảnh thực siêu, cơn vui dẫn đến cơn say, những câu thơ cuối không còn hình ảnh thực nữa mà chỉ toàn tượng trưng "Gió ơi gió, hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi / Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt Nam ! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!" Gió đã thành giông tố, cờ đỏ thành máu thơm tươi, người ngã vật (vui say) trong dòng người. Thực tại thành thiên đường, thiên đường của nhạc, nhạc trong lòng và nhạc của tiếng chân và tiếng hô.

Bài thơ kết thúc bằng lời hô khẩu hiệu. Thơ cách mạng, thơ Tố Hữu cũng có lúc có lời hô, khẩu hiệu nhưng chưa bao giờ khẩu hiệu trong thơ mà nghe lại sảng khoái đến thế, thăng hoa và ngân vang đến thế !

Huế tháng 8 là một trang sử thi trữ tình, lãng mạn rất tiêu biểu, rất độc đáo về cách mạng và Huế. Đó cũng là một tượng đài, một bức đại phù điêu về cách mạng tháng 8 bằng thơ, một đóng góp riêng của nhà thơ Tố Hữu cho sự kiện cách mạng tháng 8 trọng đại và cùng với bài ca 19/8 của nhạc sĩ Xuân Oanh, bài thơ từ sau khi ra đời đã đi vào lịch sử, vào trí nhớ của nhân dân Việt Nam và chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.

Ngày 21/7/2011

thientrang92

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 12/11/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết