Diễn đàn THCS Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tiếng quạt nan của mẹ trong ký ức tuổi thơ tôi

Go down

Tiếng quạt nan của mẹ trong ký ức tuổi thơ tôi Empty Tiếng quạt nan của mẹ trong ký ức tuổi thơ tôi

Bài gửi  Admin 4/5/2012, 11:03

Tuổi thơ tôi gắn với chiếc quạt nan và lời ru của mẹ. Mẹ đan dệt cho tôi một tuổi thơ đầy mộng ảo của người nghèo. Tiếng quạt của mẹ dệt cho tôi những suy nghĩ của tình thương và khát vọng vươn xa.
Tuổi thơ tôi với biết bao hoài niệm.
Nhớ dáng mẹ gầy tần tảo mỗi sớm hôm.

“Chiếc nôi tuổi thơ tôi” - một mái nhà ngói cũ đã trải qua biết bao năm tháng của thời gian, ọp ẹp chênh vênh cuối xóm làng, nằm ngay cạnh con sông Châu thơ mộng. Nhưng chứa đầy kỷ niệm thuở ấu thơ.

Tôi sinh ra và lớn lên nơi vùng đồng bằng chiêm trũng của Bắc Bộ. Cách đây hai chục năm khi đất nước vẫn trong thời kì bao cấp, cái nghèo đã bủa vây cuộc sống của người dân quê tôi.

Vì nghèo đói nên đời sống, trình độ dân trí thấp. Gia đình nào cũng nuôi tư tưởng đẻ nhiều con thì sẽ được cấp nhiều đất, phát nhiều gạo. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên gia đình nào cũng con đàn cháu đống.

Và cái nghèo, cái đói lại càng bị đẩy lên cao hơn. Gia đình tôi cũng không ngoài diện đó. Bố mẹ tôi sinh trưởng được ba chị em tôi. Chúng tôi được nuôi dưỡng khôn lớn bằng những dãi khoai, dãi sắn. Vậy mà chúng tôi vẫn tranh nhau ăn từng dãi khoai sắn đó và lớn lên khỏe mạnh chẳng ốm đau.

Tôi nhớ lắm! Bố mẹ vẫn thường bảo chúng tôi là con ngô, con khoai. Nhưng vì quá thương vợ con và muốn thoát nghèo. Bố tôi đã phải hy sinh tuổi trẻ để vào Nam kiếm sống khi chúng tôi mới lên ba, lên năm.

Vậy là chỉ có đôi bàn tay mẹ tảo tần sớm hôm hàng trăm thứ việc. Mẹ phải lo toan mọi sự, gánh vác trên vai những nhọc nhằn của người vợ trẻ, người mẹ trẻ với ba con.

Những nét chữ đầu tiên tôi được học cũng do mẹ dạy. Bố thì đi xa, mẹ vừa phải một gánh hai đàng. Người xưa có câu: “mẹ dưỡng cha dục”. Nhưng mẹ tôi phải đảm đương hết thảy. Mẹ không có phút nào được thảnh thơi.

Lúc bấy giờ, cả nhà tôi chỉ có một cái quạt điện cơ Liên Xô. Nhưng cái quạt đó mẹ để nhường cho hai chị, còn tôi ngủ với mẹ thì sẽ được mẹ quạt tay. Vì vậy, suốt những đêm hè mẹ đều phải thức quạt cho tôi ngủ.

Bàn tay mẹ mỏi rã rời vì chiếc quạt nan khi đó. Và tôi cũng thật vô tâm khi mẹ ngừng tay quạt là tôi lại khóc đòi gió. Vậy là mẹ vừa chợp mắt, giấc ngủ chưa kịp ùa về. Mẹ đã phải giật mình thức giấc vì tôi. Cũng tại tôi vô tâm và cũng tại mùa hè oi ả đã khiến mẹ thêm cơ cực.

Tôi đã từng nghĩ sao nhà mình lại nghèo quá đỗi. Nghèo đến mức quạt cũng không có mà dùng. Để rồi, đêm nào cũng vậy, chiếc quạt nan cứ kẽo kẹt từ từ trên tay mẹ. Tiếng quạt đó cũng chính là nguyên nhân làm cho tôi thức giấc mỗi đêm hè.

Và tôi đã hình thành trong đầu một ý nghĩ thơ ngây là quyết tâm học thật giỏi để sau này kiếm nhiều tiền mua quạt điện cho mẹ, để mẹ không phải vất vả với chiếc quạt nan. Thế là ý thức của tôi đã được gợi dậy bởi tiếng quạt nan của mẹ.

Suốt cả ngày mẹ tôi đã vất vả, bươn trải đồng ruộng mồ hôi không ngớt. Đêm là thời khắc đáng lẽ mẹ phải được nghỉ thì mẹ vẫn phải làm việc, mẹ phải làm việc với chiếc quạt nan để phục vụ con gái mẹ.

Tất bật cả ngày vậy mà giấc ngủ của mẹ cũng chẳng được ngon. Hẳn là, trong mẹ luôn chứa đựng sự nhẫn nhịn và kiên cường lớn lắm thì mẹ mới có thể vượt qua được cảnh sống cơ hàn đó suốt một thời tuổi trẻ chồng xa.

Mẹ chăm chút chúng tôi từ móng tay, mái tóc. Đặc biệt, tôi là con út nên càng được mẹ chiều hơn. Mẹ đi đâu tôi cũng luôn quấn quít theo mẹ. Chẳng bao giờ mẹ nặng lời với tôi. Ngược lại, mẹ thường dùng lý lẽ và sự cưng nịnh dành cho trẻ nhỏ để dạy bảo tôi mỗi khi tôi không ngoan.

“Quẩn” mẹ nhiều, đã quen hơi mẹ, tôi không thể nào xa mẹ dù chỉ nửa ngày. Đêm đêm nằm bên mẹ, dù mùa nóng hay mùa lạnh tôi cũng đều có một thói quen là ôm mẹ. Nhiều đêm hè, tôi làm mẹ nóng, mẹ nhẹ nhàng gỡ bàn tay nhỏ bé của tôi ra khỏi người mẹ.

Nhưng mẹ vừa gỡ ra thì tôi lại ôm lại như cũ. Cứ đêm nào không nghe thấy tiếng quạt nan của mẹ, tôi đều không chịu chợp mắt. Tôi nhớ có lần mẹ xa nhà hai ngày vì phải đi thăm bác tôi ở Quảng Ninh. Hai ngày ròng rã tôi đã phải xa mẹ và thức trắng vì thiếu hơi mẹ.

Khi đó, tôi chỉ mong sao thời gian trôi qua thật mau để mẹ chóng trở về với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy lòng mình trỗi dậy. Tôi nhớ mẹ tha thiết. Ngày mẹ trở về, tôi đã chạy ra ôm chầm lấy mẹ ngay từ đầu ngõ và nói huyên thiên đủ điều. Giờ đây, những ký ức của tôi đều song hành cùng bóng hình của mẹ.

Nhiều đêm tôi thấy mẹ khóc vì nhớ bố. Lòng tôi chợt ùa về một nỗi đau mà khi đó tôi không thể định nghĩa là gì. Đơn giản là tôi chỉ thấy thương mẹ vô cùng và tôi cũng khóc, nhưng tôi không để mẹ biết vì sợ mẹ thêm buồn.

Bố đi xa, thỉnh thoảng cũng có gọi điện về cho mẹ nhưng tần suất của những cuộc gọi là rất ít. Phần lớn bố mẹ chỉ có thể gặp nhau trên những trang thư. Tôi cảm được niềm hạnh phúc của mẹ khi nhận được thư của bố.

Nhưng thật quá thiệt thòi cho mẹ, một người vợ trẻ như mẹ lại phải xa chồng hàng năm trời, một mình nuôi dưỡng ba đứa con thơ.

Tôi đi vào giấc ngủ nhờ những câu hát ru của mẹ, những câu chuyện dân gian mẹ thường kể đồng hành cùng chiếc quạt nan kẽo kẹt đệm nhạc đều đều mỗi đêm hè. Dường như, tiếng quạt tay của mẹ hằng đêm như những làn gió thần xua đi cực nhọc, xua đi những tảo tần của những ngày dài cơ cực, làm dịu những ấm ức mẹ phải nhẫn nhịn lúc xa chồng.

Không những vậy, những luồng gió từ đôi tay mẹ còn đua tôi vào giấc ngủ những đêm hè, chuẩn bị cho tôi hành trang sức khỏe để bước vào ngày mới.

Tuổi thơ tôi lớn lên là vậy đó. Chẳng được cùng bố mẹ đi công viên, bờ hồ và chẳng mấy khi được mua quần áo đẹp. Nhưng tuổi thơ tôi gắn với chiếc quạt nan và lời ru của mẹ.

Mẹ đan dệt cho tôi một tuổi thơ đầy mộng ảo của người nghèo. Tiếng quạt của mẹ dệt cho tôi những suy nghĩ của tình thương và khát vọng vươn xa.

Cảnh nghèo khó đó nay đã không còn nữa. Giờ chúng tôi đã lớn khôn, gia đình đã bớt đi sự túng thiếu. Chúng tôi không chỉ có một chiếc quạt điện cơ mà đã có nhiều hơn thế.

Nhưng chiếc quạt nan vẫn hiện hữu nơi đầu giường mẹ và luôn tồn tại trong tâm khảm tôi cùng tiếng kẽo kẹt của nó. Tôi trưởng thành với ý thức lập nghiệp và muốn báo đáp bố mẹ. Không lâu nữa, tôi sẽ trở thành một cô giáo dạy văn như đúng tâm nguyện của bố mẹ.

Có thể nói, tuổi thơ tôi được gắn với tiếng quạt nan của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của tôi hướng tới những miền nghĩ tươi đẹp và hình thành tâm hồn văn như bây giờ.

Tôi thầm cảm ơn mẹ! Cảm ơn tiếng quạt nan của mẹ, đã giúp tôi thấu hiểu giá rị của cuộc đời!

Lý Thị Mơ
http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2012/04/tieng-quat-nan-cua-me-trong-ky-uc-tuoi-tho-toi/
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 31
Join date : 08/09/2011
Age : 46
Đến từ : Mỹ Tho

https://lengochan.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết