Diễn đàn THCS Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Hà Nội có thế "Rồng cuộn Hổ ngồi

Go down

Hà Nội có thế "Rồng cuộn Hổ ngồi Empty Hà Nội có thế "Rồng cuộn Hổ ngồi

Bài gửi  kimngân_1997 1/11/2011, 08:28

Cách nay 1.000 năm, trong "Chiếu dời đô," Vua Lý Thái Tổ đã đề cập đến vùng đất Đại La (tức Hà Nội ngày nay) với thế "Rồng chầu Hổ phục" (hay cũng còn nói là Rồng cuộn Hổ ngồi) và coi đó là "nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."

Đó là đắc địa của phong thủy Hà Nội. Nhưng trong cái thế đất ấy của Thủ đô thì đâu là Rồng, đâu là Hổ và thế nào là Rồng cuộn Hổ ngồi, là điều mà không phải ai cũng đã nắm được.

Nhân chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Lonmg-Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nhà nghiên cứu Dịch học và Phong thủy học Khương Văn Thìn về thế "Rông cuộc Hổ ngồi" nói riêng và phong thủy của Hà Nội nói chung.

Bài 1: Hà Nội có thế "Rồng cuộn Hổ ngồi"

Để bạn đọc hiểu được một cách tổng quát lời của vua Lý Công Uẩn viết trong “Chiếu dời đô” từ Hoa Lư về Hà Nội cách nay 1.000 năm, nói rằng Hà Nội là một vùng đất có thế "Rồng cuộn Hổ ngồi," xin trình bày tuần tự về khái niệm của một ngành khoa học mà ngày nay vẫn chưa có nhiều đề cập, nghiên cứu kỹ lưỡng để vận dụng vào cuộc sống: Đó là ngành khoa học phong thủy.

Phong có nghĩa là gió, là khí, tức là các loại khí có ảnh hưởng đến sự sống của vạn vật trên trái đất. Thủy có nghĩa là nước, cũng là một loại vật chất không thể thiếu được cho sự sống của con người và vạn vật. Như vậy có thể khẳng định rằng: Khí và Nước là hai loại vật chất quan trọng bậc nhất của sự sống trên trái đất. Nhưng cả khí và nước vận hành trên trái đất đều phụ thuộc vào hình dạng, kích thước của các vật thể chứa đựng và che chắn nó.

Như khi dòng nước chảy qua các lớp đất đá thì dòng nước không bào mòn được các lớp đá, mà chỉ bào mòn được các lớp đất mềm hơn đá, nên mới tạo thành dòng sông chảy quanh co, uốn khúc. Hay như các dòng khí khi vận hành gặp phải các vật thể che chắn như núi, đồi, tường thành, nhà ở, cây cối, thì dòng khí đó cũng phải đổi hướng. Điều này cũng lại cho ta một khẳng định nữa là các hình thế sông suối, núi đồi, cây cối, hay hình dạng của những dải đất đều có ảnh hưởng đến sự vận hành của các dòng khí và dòng nước.

Trong các ngành khoa học cổ phương Đông có một ngành chuyên nghiên cứu về các thế và hướng vận hành của các dòng khí và các dòng nước, họ gọi các dòng nước chảy hay ao hồ, các thế đất núi hay đồi có hình dài uốn lượn, hoặc cũng có thể là một dải đất dài nhô cao hơn xung quanh, hay một dải đê kéo dài... là Thanh Long, tức Rồng xanh; và gọi các dải đồi, các dãy núi, hay các đồi, gò, đống đứng đơn lẻ ở bên đối diện hay phía đối diện với Thanh Long là Bạch Hổ, tức hổ trắng.

Khái niệm về Thanh Long, Bạch Hổ trong phong thủy cần phải tuân theo một nguyên lý nhất định, tức là khi đã xác định được hướng của một vùng đất, hướng của một cuộc đất, hay hướng của một công trình sẽ xây dựng, hay hướng của một ngôi nhà nói chung, thì các thế đất hoặc các loại vật thể ở bên trái hướng gọi là Thanh Long, còn các thế đất hoặc các loại vật thể ở bên phải hướng gọi là Bạch Hổ.

Thuật phong thủy còn gọi các vật thể ở phía sau hướng là Huyền vũ, ở phía trước hướng là Minh đường và Chu tước. Như vậy bên Thanh Long sẽ bao gồm cả đồi núi, sông suối, ao hồ. Sông suối, ao hồ gọi là Thủy Long, còn đồi núi gọi là Sơn Long; nhưng còn ở bên Bạch Hổ thì chỉ cần có núi đồi, gò đống, cây cối.

Khi đã có núi đồi, gò đống, cây cối rồi thì có thêm sông suối, ao hồ, nữa cũng rất tốt, vì khi đó thì Long sẽ ở nơi sông suối, ao hồ, còn Hổ sẽ ở nơi núi đồi, gò đống, cây cối, phong thủy học gọi vùng đất có địa hình như thế là Long, Hổ được an đúng vị.

Từ những khái niệm cơ bản của thuật phong thủy nêu trên, nên từ xa xưa cha ông ta đã vận dụng để xây dựng nhà cửa, xây cất lăng mộ và họ thường gọi theo hình thù các dòng sông, dòng suối đó là Long, gọi các thế đất đồi núi đó là Hổ, cũng từ đó mà họ suy ra các thế đất có hình gì thì gắn cho con vật đó, như thế đất con phượng ngậm thư, thế đất con hổ ôm mồi, thế đất hình cái nghiên cây bút, thế đất hình con rùa, con ngựa, con sư tử...

Như chùa Hàm Long nằm ở trong hàm của một con rồng, chùa Thầy cũng nằm trong hàm của một con rồng lớn, miệng con rồng có viên ngọc, xung quanh có 14 ngọn đồi nhỏ tượng trưng cho Long, Ly, Quy, Phượng chầu về.

Nếu một cuộc đất có sự cân đối giữa Long và Hổ thì được gọi là một cuộc đất tốt, có đủ điều kiện cho khí và nước vận hành, tạo nên sự thuận lợi cho vạn vật cùng phát sinh và phát triển. Vùng đất Hà Nội từ xưa đã có đầy đủ các yếu tố như trên vừa nêu, đó là các dòng sông, dòng suối chảy quanh co, chằng chịt, đan xen với các ao hồ trải đều ra khắp vùng tạo thành một quần long hội tụ.

Thêm nữa, có các ngọn núi, ngọn đồi, hay những dải đất có các hình thù của những con vật đã tạo cho phong cảnh của vùng đất có đủ sơn và thủy. Vì thuật phong thủy đã chỉ ra rằng: Khí là mẹ của nước, khí đi trước, nước đi sau, nên khi quan sát thấy nước dừng ở chỗ nào thì biết khí tụ ở chỗ đó. Hồ ao chính là nơi long khí tụ, đồi núi cũng là nơi thiên khí tụ, sông suối chính là nơi khí và thủy cùng vận hành. Khí và thủy luôn vận hành sẽ tạo ra các nguồn sinh khí mới tốt lành để cho vạn vật sinh sôi và phát triển.

Một nguyên lý nữa của thuật phong thủy là "Khúc tất hữu tình, trực tất vô tình," vẫn nói về các vùng khí tụ. Khi sông suối đến điểm uốn khúc thì dòng nước sẽ chảy đi theo dòng cố định, còn dòng khí sẽ uốn vòng tụ lại trên vùng đất nơi có dòng nước bao vòng đó, tạo nên các vùng sinh khí, làm cho cây cối tốt tươi, đất thêm màu nỡ, nước trong lành mát ngọt.

Cho nên cha ông ta từ xưa đã biết vận dụng yếu tố này mà định canh định cư ở những nơi có dòng sông uốn khúc, họ chuyên ở về bên nước sông bao vòng (còn gọi là bên bồi) mà không ở vào bên nước sông xâm lấn (còn gọi là bên lở).

Hệ thống sông suối ở Hà Nội uốn quanh co như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Thiên Phù (nay đã bị lấp), sông Kim Ngưu, có các hồ như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Yên Sở... Như vậy Hà Nội chẳng phải là nơi "Rồng cuộn" hay sao?

Vì thực ra danh từ "Rồng cuộn" ở đây chẳng qua là dùng để chỉ hệ thống sông suối ao hồ uốn khúc quanh co chằng chịt ở Hà Nội mà thôi. Ngoài hệ thống sông suối ao hồ, Hà Nội cũng có rất nhiều các ngọn đồi, ngọn núi nằm rải rác ở trong và cả xung quanh vùng đất, như núi Nùng ở trung tâm Hà Nội, núi Khán Sơn, núi Đinh, đồi lăng Hoàng Cao Khải, đồi Đàn Xã tắc, các thế đất ở Ba Đình, Chèm, Văn Miếu, Hoàn Kiếm, Quảng Bá, Đầm Hồng, Hoàng Cầu, Ngọc Hồi...

Tất cả những ngọn núi, ngọn đồi, thế đất đó đã góp phần tạo nên những vùng sinh khí tụ. Ngay cả những thế đất do các dòng sông, dòng suối, hay ao hồ tạo nên ở khắp vùng Hà Nội cũng có rất nhiều thế đất đủ hình dạng, đó là hình con Hổ, hình con Sư tử, hình con Rùa, hình con Ngựa... Vì vậy mà danh từ "Hổ ngồi" cũng chính là dùng để chỉ những vùng đất nhô cao lên đó.

Hà Nội hội tụ được đầy đủ các dòng nguyên khí từ trên trời xuống, từ bên ngoài vào, từ các dòng sông chuyển tới, nên có thể nói rằng Hà Nội là một vùng đất Địa linh có vượng khí tồn tại đến muôn đời./.
kimngân_1997
kimngân_1997

Tổng số bài gửi : 74
Join date : 10/10/2011
Age : 27
Đến từ : việt nam

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết