Một số hiện tượng văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Một số hiện tượng văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI
Trong thời đại công nghệ thông tin, học sinh có nhiều con đường tiếp nhận văn học khác nhau, những tác phẩm mới, những quan điểm đánh giá những tác giả, tác phẩm văn học có rất nhiều trên mạng internet đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn học của học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm, những cách đánh giá có giá trị tích cực vẫn có những tác phẩm, cách đánh giá vô bổ, tùy tiện, những tác phẩm có nội dung xấu có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Do đó cần có sự định hướng, hướng dẫn của giáo viên đối với quá trình tiếp nhận văn học của học sinh.
I. Vài nét đánh giá chung về văn học thế giới và văn học Việt Nam ở thế kỷ XX
Trong tiến trình văn học của thế giới và Việt Nam, nền văn học đã tồn tại và vận động không ngừng, mỗi thời đại, mỗi thế kỷ đều có những thành tựu nổi bật để hình thành diện mạo nền văn học của nhân loại và của mỗi dân tộc. Trên phạm vi thế giới cũng như ở mỗi khu vực, mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có từng giai đoạn, từng thời kỳ, thời đại lịch sử với những hiện tượng văn học và trào lưu văn học khác nhau. Chẳng hạn ở thời kì văn học Phục hưng có các trào lưu văn học như chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa hiện thực với nhiều tác giả nổi tiếng và nhiều tác phẩm có giá trị như Rômêô và Juliet của Sếchpia, Người hà tiện của Môlie, Lơ Xít của Cornây, Những người khốn khổ của Víchto Huy gô... Từ đó nền văn học thế giới có sự phát triển vượt bậc so với thời kỳ “đêm trường Trung cổ” trước đây.
Qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn lịch sử nền văn học thế giới tiếp tục vận động và phát triển với nhiều thành tựu, đặc biệt là trong thế kỷ XX. Các trào lưu văn học phát triển nhanh chóng và dồn dập, kết hợp nhiều trào lưu phương pháp sáng tác với nhau. Tuy nhiên có thể quy vào hai loại hình là : chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện đại. CN hiện thực gồm có: CN hiện thực mới ( như C. Lê -vi với tác phẩm Chúa Cơ đốc dừng lại ở Apoli, Kẻ cướp của Béc -tô ở Đức và Italia) , CN hiện thực cấu trúc (như Cuối tuần ở Goatêmala của M.A. Ax-tu-ri-rax, Phòng xanh của M.V Lô-sa ở Pê ru), CN hiện thực tâm lí (như Thần tượng vụn nát của M.D Rôdrigét ở Vênêduêla, Ông già biển cả của Hê-min-guê ở Mỹ) , CN hiện thực thần bí ở Đức, CN hiện thực kì ảo ở châu Mỹ la tinh (như Đất trắng sắc đỏ của J.A-ma-dô ở Braxin, Chim dữ trong đêm của J. Dô-nô-sê ở Chi lê), CN hiện thực xã hội chủ nghĩa (như Người mẹ của M. Gor-ki và Chiến tranh và hoà bình của L.Tôn-xtôi ở Nga...). CN hiện đại gồm có: CN tượng trưng (như Tương giao của Ch. Bô-đơ-le; Nhà người chăn cừu của A.Vi-nhi), CN biểu hiện (như nhà thơ Thra-kôn ở Áo, J. Bê-sơ ở Đức, E.Rai-xơ ở Mỹ... , CN vị lai, CN đa đa, CN siêu thực và CN trừu tượng xuất hiện ở các nước châu Âu, CN hiện sinh (như Dịch hạch của Ca-muy ở Pháp). Với sự xuất hiện đa dạng phong phú của các trào lưu văn học, văn học thế kỉ XX đã có nhiều thành tựu nổi bật, mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại của nó. Tuy nhiên văn học đã phản ánh hiện thực cuộc sống và con người một cách toàn diện và sâu sắc hơn, đa dạng và phong phú hơn trong sáng tạo nghệ thuật.
Ở Việt Nam, ở thế kỷ XX nền văn học phát triển theo hướng hiện đại hoá đã thoát khỏi nhiều khuôn mẫu của văn học trung đại với những trào lưu văn học xuất hiện những năm 30-45 như: trào lưu lãng mạn ( tiêu biểu như: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn Bính...), trào lưu hiện thực phê phán ( tiêu biểu như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng...), trào lưu cách mạng ( tiêu biểu như : Hồ Chí Minh, Tố Hữu...), trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa ( tiêu biểu như : Quang Dũng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đình Thi...)
Sau năm 1985, văn học Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều nhà văn tiêu biểu có những đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật như Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát; Lê Lựu với tác phẩm Thời xa vắng; Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm Tướng về hưu; Bảo Ninh với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh và nhà văn nữ tiêu biểu Phạm Thị Hoài...đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho nền văn học nước nhà.
II. Vài nét đánh giá chung về văn học thế giới và văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI
Bước sang thiên niên kỷ mới, cùng với văn học nước ngoài tiếp tục có những thành tựu mới với những tác phẩm thu hút sự quan tâm của người đọc rất lớn. Người đọc trên thế giới đã háo hức chờ đợi, xếp hàng để đón nhận những tác phẩm văn học mới ra đời như: Tác phẩm Mật mã Da Vinci của Dan Brown (người Mỹ), tác phẩm Harry Potter của J. K. Rowling ( người Anh); Totem sói của Khương Nhung (người Trung Quốc); Tác phẩm Flying Fingers (Những ngón tay bay) của Adora Svitak (Trâu Kỳ Kỳ , người Mỹ gốc Hoa) là cuốn sách về những sáng tác văn chương của một cô bé bảy tuổi đã làm nên một hiện tượng trên văn đàn Mỹ...Những tác phẩm này đã tạo nên những cơn sốt sách trên toàn thế giới hoặc đã tạo nên dư luận, thu hút giới nghiên cứu, phê bình văn học trên thế giới. Ngoài ra còn có những tác phẩm đạt giải Nobel văn học từ năm 2000 đến nay như: Tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện người Trung Quốc (năm 2000); tác phẩm The Enigma of Arrival của V.S. Naipaul người Trinidad (năm 2001); Tiểu thuyết Sosrtalanság (Không số phận) của Imre Kertész người Hungary (năm 2002); tác phẩm Disgrace của John Maxwell Coetzee người Nam Phi (năm 2003); tiểu thuyết Giáo viên đàn piano của Elfriede Jelinek người Áo (năm 2004); những tác phẩm của Harold Pinter người Anh (năm 2005); những tác phẩm Istanbul, My Name Is Red, Snow của Orhan Pamuk người Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2006); tác phẩm The Clefts, ...của Doris Lessing người Anh (năm 2007); tác phẩm Révolutions ( Cách mạng ), L’Africain ( Người châu Phi )… của Le Clézio người Pháp (năm 2008).
Cùng với nền văn học thế giới, văn học Việt Nam đang có sự chuyển mình cùng với quá trình đổi mới của đất nước. Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ XXI, nền văn học nước ta chưa có những thành tựu như ở thế kỷ XX. Trong xu thế chung của thời đại, xu thế đổi mới của đất nước, văn học Việt Nam cũng có những hiện tượng thu hút với công chúng, có những tác phẩm lôi cuốn độc giả và có nhiều ý kiến tranh luận của các nhà nghiên cứu phê bình...Những tác phẩm thể hiện phương pháp sáng tác của chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, chủ nghĩa hiện sinh kết hợp trong mỗi tác phẩm tạo nên dư luận với những ý kiến đánh giá khác nhau. Như những tác phẩm Cái trống thiếc, Phế đô, Nôn nóng, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ và Hồ Quý Ly,…toàn những tiểu thuyết dày vài trăm trang nhưng được nhiều người đang tìm đọc và đọc lại; những: Tự sự 265 ngày, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mặc dù cho đến bây giờ, ý kiến về nhà văn này vẫn rất khác nhau. Tập truyện ngắn mới của Nguyễn Thị Thu Huệ Nào, ta cùng lãng quên, vừa mới ra, cũng được hào hứng đón đọc. Có những cây viết trẻ, vừa mới xuất hiện tác phẩm đầu tay, như Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Nguyễn Ngọc Tư với những truyện ngắn xinh xẻo tiêu biểu là truyện ngắn Cánh đồng bất tận và Phương Trinh với Mây bay ngang rồi mây bay qua, Quả táo, là những truyện ngắn khá tinh tế, hứa hẹn mới lạ… cũng đã được người đọc chú ý ngay.
Có một xu hướng văn học, chủ nghĩa hiện thực kì ảo gần như đã kết thúc trọn vẹn vai trò lịch sử của nó. Manh nha từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, phát triển mạnh ở thập niên 90 rồi thoái trào ở những năm đầu thế kỷ XXI trong nền văn học thế giới. Nói như thế không phải là sự biến mất hẳn của yếu tố kỳ ảo trong văn học. Ở nước ta yếu tố kỳ ảo vẫn được nhiều nhà văn trẻ thể hiện trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu ; như Giấc ngủ nơi trần thế của Nguyễn Thị Ấm tố cáo sự lạnh lùng vô cảm của con người, Hồn trinh nữ của Võ Thị Hảo, Cứu tinh của Hồ Anh Thái nói về sự tàn nhẫn vô lương, Thợ may của Phạm Hải Vân lại bàn về lòng tham cố hữu của con người… Cái ác qua yếu tố kỳ ảo được thể hiện dưới nhiều hình thức hết sức đa dạng. Có khi nó là sự thể hiện mặc cảm phụ bạc và con người tâm linh sám hối như trong Hoa đại trắng của Đức Ban. Cũng có khi đó là thói nghiện ngập, đam mê thái quá đến mức bệnh hoạn như trong Điếu cày của Phạm Hải Vân. Như vậy, bằng việc hữu hình hóa cái ác qua yếu tố kỳ ảo, các cây bút viết truyện ngắn sau 1975 đã thể hiện nỗi lo âu khắc khoải về sự suy mòn của nhân tính, của đạo lý truyền thống. Giữa lúc giá trị đạo đức bị tấn công từ nhiều phía, ở hiền chưa chắc đã gặp lành, con người tìm đến yếu tố kỳ ảo để tìm đến một giải pháp thăng bằng tâm linh giữa xã hội đầy biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu đào sâu tìm hiểu con người cá nhân, con người bản thể đang trở thành tâm điểm chú ý của nền văn học. Vì thế, dễ nhận thấy, văn học đương đại đang quan tâm nhiều đến sự giải phóng cái tôi cá nhân, con người cá nhân tự do và hiện sinh. Chủ đề giới tính xuất hiện ngày càng nhiều trong văn học với rất nhiều tên tuổi như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… Đây thực sự là vấn đề lớn cần nhiều thời gian xem xét và có sức vẫy gọi rất lớn với những ai tâm huyết muốn tìm hiểu.
Thơ Việt những năm đầu thế kỷ XXI đang có dấu hiệu của sự chuyển động và đang tạo ra được diện mạo mới. Nổi lên như một hiện tượng, nhà thơ Vi Thùy Linh có những cách tân thể hiện được nhiều người chú ý và một số nhà thơ trẻ khác như: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Tự Lập, Lê Thu Thủy, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Quyến, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Danh Lam... đã tạo được cho mình tiếng nói riêng ở trên thi đàn.
III. Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI
III.1. Về thơ : Hiện tượng Vi Thuỳ Linh
Tiêu biểu trong các nhà thơ trẻ xuất hiện ở những năm đầu thế kỷ XXI là nhà thơ Vi Thuỳ Linh, sinh ngày 4/4/1980 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Báo chí. Từ năm 1998, Vi Thùy Linh trở thành "Hiện tượng Vi Thùy Linh"
trong thơ trẻ Việt Nam. Tập thơ Đồng Tử của Vi Thùy Linh vào chung kết Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc và giới nghiên cứu quan tâm và được đánh giá cao. Với những tác phẩm như: Khát ( NXB Hội nhà văn, 1999 ) , Linh ( NXB Thanh niên, 2000 ), Đồng Tử ( NXB Văn Nghệ, 2005 ). Ngoài ra Vi Thuỳ Linh có thơ in trong các tuyển tập như: Thơ trẻ chọn lọc 1994 - 1998 ( NXB Văn hóa - Thông tin, 1998 ), Thơ sáng tác trẻ ( NXB Hội Nhà Văn, 2000 ) , Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 – 2000 (tập 1, NXB Hội Nhà Văn, 2000)…
Thơ của Vi Thuỳ Linh được đánh giá cao, trở thành hiện tượng có giọng điệu riêng, phong cách riêng, có phong cách thơ mới như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét:
“Khi bàn về thơ Vi Thuỳ Linh, có người đã gọi chị là nhà thơ đổi mới. Tôi không nghĩ thế. Bởi nói đến những nhà thơ đổi mới, thì chí ít, họ cũng phải có những cái cũ để mà đổi thành mới. Nhiều thi sĩ thành danh, đã dũng cảm đập vỡ mình ra, rồi nhào nặn lại thành một gương mặt khác, với một vẻ đẹp hoàn toàn khác. Vi Thuỳ Linh đâu phải thế. Chị sinh ra đã có gương mặt riêng, tiếng nói riêng. Chị không có nợ nần gì với quá khứ, cũng ít tiếp nhận những giá trị của quá khứ. Và trong tâm khảm, tôi tin Vi Thuỳ Linh cũng chẳng có ý thức quyết làm người tiên phong đổi mới thơ ca. Đối với chị, hình như đó là một việc rất xa lạ. Chị chỉ sống đúng như những gì mình có. Nghĩ theo cách nghĩ của riêng mình. Rồi cất lên tiếng nói cũng của chính mình. Tất cả đều hồn nhiên và giản dị.”
Hay nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét:
“Vi Thùy Linh là một hiện tượng của thơ Việt Nam hiện đại. Đó là hiện chín sớm trong thơ và cả trong đời. Cô gái mới 20 tuổi đã có những khát khao dữ dội về chức năng làm mẹ và nghĩ một cách thâm trầm, sâu sắc đến không ngờ về thiên chức người mẹ trong thế giới. Bằng cú pháp thơ già dặn, cách nói thơ đơn giản và trực diện. Những bài thơ của Vi Thùy Linh như hồ nước chứa những con sóng ngầm từ bên dưới.”
Nhà thơ Thanh Thảo đã viết:
“Vi Thùy Linh là một cơn lốc. …
Lốc ý tưởng, lốc chữ (chứa chất nổ), lốc tình cảm (đôi khi là khoái cảm).
Cơn lốc không kiềm chế đó đương nhiên gây sốc, khiến nhiều người ngộ nhận những cố gắng đổi mới trong thơ cô và lầm lẫn cho sự bất chấp những ước lệ và kiêng kỵ là phạm húy. Với tôi, Vi Thùy Linh là một biểu tượng giải phóng phụ nữ trong thơ !”
Nhà thơ Dương Tường đã viết trong bài “ Hiện tượng Vi Thuỳ Linh”: “…Ngày lên ngôi vị thơ của Vi Thùy Linh chưa có trong sự thật. Mong rằng ngày ấy sẽ đến. Nhưng nó sẽ đến dần dần.
Vi Thùy Linh đang thẫn thờ sắp xếp lại mình. Đừng thẫn thờ nữa mà phải nhanh nhẹn sắp xếp lại mình. Cuộc đời còn ở phía trước. Ở tuổi 20 thì những nổi nênh chỉ là trò cười dưới mắt những người từng trải. …
Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời... ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước. …………………………………………..
Bài viết này như một cử chỉ cho thấy không phải dư luận lãng quên Vi Thùy Linh. Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy...”
Những đóng góp của Vi Thuỳ Linh đã tạo nên sức sống mới, ban đầu đã tạo nên phong cách mới góp phần xua tan không khí “trầm lắng” trong làng thơ Việt Nam.
III.2. Về văn xuôi
Trong các hiện tượng của văn học Việt Nam ở những năm gần đây, có một số tác phẩm nổi bật thu hút nhiều sự chú ý của dư luận độc giả; đó là Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi , nhật kí của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đó là những tập nhật ký của những người lính trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thể hiện những tình cảm trong sáng, cao đẹp đối với gia đình, người thân, quê hương đất nước, những khát vọng hoà bình, lí tưởng lớn lao nhưng rất bình dị và nhân văn. Ngoài ra còn có tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện thân phận và khát vọng của những người phụ nữ. Trong đó, Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm tuy là nhật ký viết trong chiến tranh nhưng được xem là một hiện tượng văn học ở đầu thế kỷ XXI, được nhiều nước trên thế giới quan tâm và xuất bản.
2.1. Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm
2.1.1. Tiểu sử
Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là người Huế, bác sĩ ngoại khoa; mẹ là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi trong chiến tranh Việt Nam. Chị vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trên đường công tác từ Ba Tơ về đồng bằng chị bị quân đội Hoa Kỳ phục kích và hy sinh. Hài cốt chị được mai táng tại nơi hy sinh, sau thống nhất được đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, được gia đình đưa về nghĩa trang Liệt sĩ Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
2.1.2. Tác phẩm
Hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi tác giả phụ trách bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, hai ngày trước khi hy sinh.
Nội dung quyển sách là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra.
Hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Ông này đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: "Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa."
Quyển sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt nhân dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) năm 2005 của Việt Nam. Đến tháng 3 năm 2006, sách này đã bán được hơn 400.000 bản - được xem là một hiện tượng văn học. Hiện tại cuốn Nhật ký được lưu giữ tại Viện lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.
Tính đến thời điểm này, đã có 15 nước thỏa thuận mua bản quyền Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Random House bán bản quyền cho 12 nước: Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Đức, Ý, Trung Quốc, Anh. Gia đình Đặng Thùy Trâm đã bán bản quyền cho Nhật và Thái Lan.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch tiếng Anh và có tựa đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace).
Gia đình anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tiết lộ số bản in sách bìa cứng (chưa phải là con số cuối cùng) của Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace) tại Mỹ là 33.000 bản, chưa kể sách điện tử và sách bìa mềm. Loại sách bìa mềm sẽ được xuất bản sau khi đợt phát hành sách bìa cứng chấm dứt. Tại Nhật Bản, Nhật ký Đặng Thùy Trâm sẽ được in với số lượng 20.000 bản. Tại những nước còn lại, số bản in được thỏa thuận khoảng vài ngàn. Năm 2009, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành phim truyện Đừng đốt và sẽ ra mắt công chúng trong thời gian tới.
2.1.3 . Đánh giá
1. Tôi là Frederic Whitehurst. Tôi đã giữ kí ức về chị cô, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ba lăm năm nay. Tôi đã giữ cuốn nhật kí của chị ấy suốt ba lăm năm nay…Sau bao nhiêu năm tìm kiêm, điều này giống như một giấc mơ và tìm ra gia đình cô khiến tôi bật khóc…Cuốn nhật kí mà người lính Mỹ đã quyết định giữ lại, không đốt đi, bởi theo lời của một người lính ngụy-thông dịch viên người Việt trong đơn vị anh ta – thì “ở trong đó có lửa. Giờ đây, hãy để cho ngọn lửa trong nhật kí của Đặng Thùy Trâm cháy mãi…
2. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của gần bốn chục năm trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự đỗ nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ. Sự tận tụy làm người của Thuỳ Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lí tưởng cũng phải kính trọng… Trong muôn màu muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh cửu. Nhật kí Đặng Thùy Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.(Vương Trí Nhàn)
3. Báo chí của Mỹ:
* Báo chí Mỹ đã quan tâm đến việc phát hành cuốn sách này như thế nào?
-Chúng tôi chú trọng "lôi cuốn" sự chú ý của báo chí từ sớm. Nhà báo Seth Mydans của tờ New York Times đã gọi những ký ức của Thùy là "những cảm xúc đầy kịch tính như chính sự kịch tính của chiến tranh vậy". Tờ Kirkus Reviews viết: "Thúc bách và giản dị, xuyên thẳng vào trái tim người đọc" và một tờ tạp chí dành cho người Mỹ gốc Á Audrey đã viết: "Cuốn sách được sinh ra để trở thành một tác phẩm kinh điển".
* Tại sao Random House chọn Nhật ký Đặng Thùy Trâm để xuất bản?
- Chúng tôi bị tác động bởi sự giản dị trong văn phong của Thùy, sự tận hiến, lòng trắc ẩn và lòng trung thành của chị. Chúng tôi cho rằng câu chuyện của chị vô cùng quan trọng đối với người Mỹ và những người của quốc gia khác nữa, để họ thấy được phía bên kia của cuộc chiến.
* Một cuốn sách từ nước ngoài cần có những tiêu chuẩn gì để được Random House xuất bản?
- Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện hấp dẫn có tính toàn cầu, bất kể thứ ngôn ngữ gốc của nó là gì. Việc chúng tôi đã bán bản quyền Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình cho 12 quốc gia đã khẳng định được tính toàn cầu và vĩnh cửu - sự lôi cuốn của câu chuyện Thùy Trâm.
4. Lời Thuỳ là một cây cầu bắc qua dòng sông chất chứa bao sự vô tình, bao cây đắng, bao nỗi buồn, bao lòng tin lầm lạc đã chia cắt hai dân tộc chúng ta quá lâu…(Robert Whitehurs - Cựu chiến binh Mỹ)
Có thể nói, Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một tác phẩm có giá trị văn học và giá trị lịch sử để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thế hệ tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Bởi ở đó rực cháy tấm lòng yêu nước, chan chứa tinh thần nhân văn với những khát vọng cao quý của tuổi trẻ, lý tưởng sáng ngời nhưng chân thực, với những tâm sự buồn vui ...của con người. Tác phẩm vừa soi sáng tâm hồn vừa sẻ chia những tình cảm thiết tha về gia đình, quê hương, đất nước...đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc với người đọc.
2.2. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
2.2.1. Tác giả
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976; quê quán huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là biên tập viên Tạp chí Bán đảo Cà Mau. ……...Nguyễn Ngọc Tư đã đạt được nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi "Văn học tuổi 20 lần thứ II" của Nhà xuất bản Trẻ, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2000 với tập truyện Ngọn đèn không tắt. Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 2001 với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. Tập sách này đã được chọn in lại trong "Tủ sách Vàng" của NXB Kim Đồng năm 2003. Giải thưởng văn học ASEAN, năm 2008.
2.2.2. Tác phẩm và dư luận
Mượn một bối cảnh thực là những cánh đồng với sông nước mênh mông của miền Tây Nam Bộ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thêu dệt nên một bức tranh đời sống quen thuộc được lạ hoá qua Cánh đồng bất tận.
Một bi kịch của những khát vọng sống trong một xã hội đang mở cửa và biến động. Bắt đầu từ một người phụ nữ nông thôn, có một gia đình mẫu mực, có chồng giỏi việc, con ngoan, bản thân mình xinh đẹp, được chồng chiều chuộng hết mực, ngày kia nghe theo tiếng gọi một cuộc sống khác hấp dẫn nơi thị thành, đã bỏ gia đình ra đi.
Đau khổ vì hạnh phúc bị bất ngờ gãy đổ, không chỉ xé nát một gia đình mà còn xé nát cả tâm hồn, tình cảm, linh hồn một người đàn ông rắn rỏi, anh ta đã đốt cả ngôi nhà cùng tất cả những gì liên quan đến người vợ bội bạc, đưa hai đứa con lên một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước bằng nghề nuôi vịt thả đồng.
Hoàn cảnh thương đau dù không còn đạn bom vẫn có nguy cơ làm người ta đánh mất quê hương ngay trên quê hương, đẩy con người vào tình thế bị lưu đầy vĩnh viễn. Trong hành trình vô định ấy, người đàn ông đã trả thù đời một cách độc ác khi khoái trá, sau mỗi lần tàn nhẫn bỏ rơi những người phụ nữ đã yêu thương mình.
Hoàn cảnh khắc nghiệt đe doạ sự lành lặn đời sống tinh thần tình cảm của hai đứa trẻ. Nhưng nhờ trái tim từ mẫu, can đảm, biết khoan dung, tha thứ và cả sự tận hiến của người phụ nữ buộc phải kiếm sống bằng nghề bản thân, được chúng tình cờ cứu sống, mà tâm hồn trẻ thơ không bị khô héo, cằn cỗi.
Một hoàn cảnh sống trần trụi, khốc liệt của một gia đình nhỏ, bị tách khỏi đám đông, ngỡ đơn giản, tẻ nhạt mà tích tụ với mật độ đậm đặc các mối quan hệ tình cảm biến hoá khôn lường của kiếp người: Tình yêu đôi lứa, vợ chồng, cha con, chị em, hàng xóm…, một bức tranh thu nhỏ với hàm lượng cao của đời sống gia đình hiện đại.
Không gian sông nước miền Tây bao la, hào phóng và kỳ ảo. Không có dấu vết nào của cuộc chiến tranh lớn vừa đi qua. Một số lượng nhân vật ít, sinh sống trên một con thuyền nhỏ, lẻ loi. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên lời thoại cũng cực ngắn và cực ít.
Qua cấu trúc, hình ảnh, khắc hoạ tính cách nhân vật thật sự tài hoa, tác phẩm đã mở ra một không gian thăm thẳm, đa tầng, đa nghĩa, đa sắc, và bao la hơn không gian vật chất ấy là thế giới tinh thần, tình cảm của những con người thật hiện đại mà vẫn rất quen thuộc, thật cá biệt mà vẫn thấy phổ biến đó đây, không chỉ ở một xứ sở cụ thể.
Cốt truyện bạo liệt, nhưng được kể một cách đầy xúc động thể hiện một chủ nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc, đầy sức cảnh tỉnh.
Ngay từ khi ra đời ( năm 2005), Cánh đồng bất tận đã nhận được nhiều khen ngợi từ các nhà phê bình cũng như đông đảo bạn đọc yêu văn học.
Trước khi Cánh đồng bất tận ra đời, Nguyễn Ngọc Tư đã in các tập Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Những truyện đầu trong tập Cánh đồng bất tận bao giờ cũng có chừng mực khi diễn tả về hạnh phúc và cả nỗi buồn đau, bất hạnh của con người. Chị nhìn cuộc sống và những người xung quanh mình bằng một tấm lòng khoan dung, độ lượng… Dường như chị cho rằng chẳng có ai là hạnh phúc trọn vẹn và cũng chẳng có ai là đau khổ đến tận cùng và trong khá nhiều tác phẩm, dường như chị cũng không đụng chạm nhiều đến sự tuyệt đối của cái tốt và cái xấu… Hãy vui với những hạnh phúc nho nhỏ mà mình may mắn có được và cũng đừng tuyệt vọng…
Đến Cánh đồng bất tận, chị đã bất ngờ thay đổi trong giọng văn, trong cách nhìn, trong sự suy ngẫm về cuộc đời. Vẫn những lời văn đặc sệt chất Nam Bộ, nhưng cái nhìn về cuộc sống không còn bình yên, phẳng lặng như trước mà dữ dội, chua xót, cay đắng… Chị không còn dễ tính như trước nữa. Chị không chấp nhận cái tính “biện chứng” là phải nói cả “tốt xấu với một tỷ lệ như thế nào đó” mà tỏ rõ thái độ quyết liệt của mình trước hiện thực cuộc đời. Chỉ riêng việc dũng cảm nói lên suy nghĩ, (có thể chưa hoàn toàn là chân lý) nỗi cay đắng, xót xa của chị (nếu là người có kinh nghiệm sống hơn chắc sẽ dè dặt khi nói về những nỗi bất hạnh trong xã hội ta) khi viết Cánh đồng bất tận cũng làm cho những người ít quan tâm đến văn học quý mến chị. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tác phẩm miêu tả nhiều cái xấu xa, độc ác của con người, có ít người tốt như thế là tư tưởng có vấn đề, đã nói quá hiện thực, thiếu tính giáo dục.
Trong tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện về tình yêu, về sự dốt nát, về sự phản trắc, về nỗi cô đơn, về thân phận con người… bằng nhận thức và cảm nhận sâu sắc của mình. Nhưng vượt lên trên tất cả, ở Cánh đồng bất tận là tấm lòng bao dung đối với sự lỡ lầm, là sự căm ghét cái ác, cái xấu và sự khao khát cho con trẻ và mọi người có được một cuộc sống “tươi tỉnh” và “vui vẻ” mà Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện trên trang giấy.
Nguyễn Ngọc Tư đã tâm sự khi viết Cánh đồng bất tận để nói thêm về sự thực và tưởng tượng trong tác phẩm này: “Tôi cũng bàng hoàng, khi viết. Tôi thường tự hào về trí tưởng tượng của mình nhưng thấy chóng mặt, ngộp thở với chi tiết có thật mà tôi nghe được, giữa đời. Tôi thú nhận là đã sao chép cuộc sống, bởi tưởng tượng chỉ là trò bỏ đi. Nhưng xin các bạn đừng ngạc nhiên, tôi chưa từng tưởng tượng chuyện con người lại tra tấn bằng cách bắt lươn sống chui vào cửa mình người phụ nữ, đá thốc vào bụng người đang mang thai... nhưng những ai đi qua chiến tranh không hề thấy lạ. Tôi cảm giác khi cái ác lên ngôi trong phần con, phần người chết ngắc...” (Tuổi Trẻ 21/11/2005).
Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về Nguyễn Ngọc Tư và tác phẩm Cánh đồng bất tận: “ …là một cây bút dũng cảm dám nói lên những sự thực tăm tối và đau lòng đang còn tràn lan trên vùng đất đẹp và đáng yêu biết bao này. Họ phẫn nộ vì những kẻ “đánh” một cây bút to gan dám nói lên tất cả sự thật. Tư buồn không phải vì những người đánh cô đến té tát. Cô buồn vì những người yêu cô mà chẳng phải vì những điều cô đau đáu muốn nói về cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư nào có muốn nói về một Cà Mau, một miền đất. Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên đất đai ấy, mà cô quen cô thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này, một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không gì không bao giờ chữa nổi trong con người. Và cô làm ra cái sản phẩm đã đưa văn học ta ra khỏi tình thế cám cảnh tỉnh lẻ của cái thời kéo dài “văn học phục vụ”, “văn học đi thực tế”, “văn học bám sát đời sống thực tế”, văn học “mũi nhọn mũi tà”… Nó đưa văn học trở lại là văn học, thế thôi, chẳng của gì hết. Và vì vậy, nó khiến văn học ta, cả chúng ta nói chung nữa, cũng “toàn cầu hoá” như ai. Nó tạo không gian mới cho chúng ta hít thở kiểu mới cùng thiên hạ…”
Tác phẩm Cánh đồng bất tận không phải là tác phẩm hay nhất trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nhưng đây là một trong số không nhiều những tác phẩm làm nhiều người rơi nước mắt, có bao nhiêu là hình ảnh và tâm trạng xót xa về lòng thù hận, bao nhiêu tâm trạng về nỗi cay cực, cảm thông cho thân phận bất hạnh của con người như nhiêu tác phẩm lớn ở Việt Nam và trên thế giới xưa nay đã đánh động lương tri của con người khi viết về cái xấu để phê phán. Từ đó đồng cảm xót xa với nỗi đau khổ của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung, đồng thời mong muốn cuộc đời là những cánh đồng bất tận về tình yêu thương của con người với con người, là những cánh đồng bất tận được mùa hạnh phúc.
Năm 2003, Cánh đồng bất tận được báo Văn nghệ - tờ báo uy tín nhất của giới văn học Việt Nam, bình chọn là một trong những truyện vừa hay nhất của năm. Cái tên Cánh đồng bất tận theo như tác giả viết: Cánh đồng không có tên, nhưng với tôi và Điền chẳng có nơi nào vô danh. Chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng (trích một đoạn trong tác phẩm). Cũng theo các nhà phê bình đây là một trong số không nhiều truyện ngắn hay trong nhưng năm gần đây, nó đã góp phần ghi dấu ấn cho nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư như một cây bút tài năng với niềm trăn trở về vùng đất Nam Bộ quê chị.
Ngày 13/10/2006, Hội nghị Ban Chấp Hành Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6 khóa VII họp tại Hà Nội đã quyết định trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 cho truyện vừa Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư . Năm 2009, truyện ngắn Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành vở kịch nói Cánh đồng bất tận (kịch bản, đạo diễn: Minh Nguyệt) đang gây cơn sốt tại sân khấu 5B (Thành phố Hồ Chí Minh) và tác phẩm đang được chuyển thể thành phim Sông nước .
3.2. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu
3.2.1. Tác giả
Đỗ Hoàng Diệu, sinh năm 1976 ở Hà Nội, từng đoạt giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ 1 năm 1991 với tác phẩm Ông già hàng xóm. Tuy nhiên, sau mười mấy năm “im hơi lặng tiếng”, sống cuộc sống đời thường. Năm 2005, Đỗ Hoàng Diệu đã ra mắt tập truyện ngắn Bóng đè (NXB Đà Nẵng) gây xôn xao dư luận . Hiện nay Đỗ Hoàng Diệu là tư vấn luật cho một công ty nước ngoài và đang sống tại Mỹ với chồng và con. Năm 2009, Đỗ Hoàng Diệu được mời đi Nhật Bản diễn thuyết về văn chương do tổ chức Japan Foundation - Chương trình diễn thuyết của các nhà văn châu Á do nhà văn quá cố Takeshi Kaiko khởi xướng (JF) tài trợ.
3.2.2 Tác phẩm và dư luận
Bóng đè viết về nhân vật Tôi về làm giỗ ở gia đình chồng. 17 cái giỗ của gia đình chồng trong năm là 17 lần cô con dâu dòng dõi đế vương Trung Hoa sống với điều bí mật riêng tư và ám ảnh vì những chiếc bóng từ bàn thờ hiện về làm chuyện ân ái. Từ chỗ miễn cưỡng, hoảng sợ, nổi loạn cho đến chấp nhận chờ đợi, thoả mãn thách thức những bí mật ấy. “Tôi băn khoăn thắc mắc vì sao Thụ (chồng cô) lại đổi giọng mỗi khi có sự hiện diện của cái bàn thờ?”. Người chồng thờ ơ và làm ra vẻ gia giáo. Người mẹ chồng rình rập cứ như cũng đã từng mang nỗi ám ảnh riêng tư kia và bà cô em chồng tên Thắm chẳng biết vô tư hay đồng loã với thế lực bóng tối …
Những chiếc bóng bay về tìm thú vui và giành giật lạc thú với người cõi trần, người hậu duệ, chung huyết thống. Lần đầu tiên, bàn thờ được “truất” xuống sống với cõi người ái ố, để cùng con người nghi vấn trước bao nhiêu phi lý mà đời sống này không trả lời hết!
Không khí ma quái trộn lẫn sự toả hơi của nhục cảm có sức ám ảnh và hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối truyện ngắn Bóng đè: “Vú tôi là đời sống, là hơi thở, là khí quyển. Mồ mả là quá khứ!... Tôi múa điệu múa da thịt tươi tốt thách thức thần linh, thách thức âm hồn dòng dõi Trung Hoa nhà Thụ”, hình ảnh người phụ nữ rướn tấm thân "cong như hình chữ S, một chữ S cố phản kháng"... khiến người đọc như lướt trên những xác chữ nhấp nhổm nhục cảm”.
Truyện ngắn Bóng đè đã gây hai luồng trái ngược nhau. Đây là một truyện ngắn hay, hay cả ở cách viết và nội dung. Trong tâm thế, tâm thức giải mã lịch sử và truyền thống Việt, một xu hướng đã được dấy lên từ thời văn học đổi mới, Đỗ Hoàng Diệu đã tạo được một hình tượng “bóng đè” đầy ám ảnh và dằn vặt cũng như trong truyện ngắn Vu quy. Mặt khác cho rằng: đây là tác phẩm tầm thường, đáng phê phán về cách viết cũng như về thái độ, tư tưởng.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khuyến khích cách viết của Đỗ Hoàng Diệu, nhà văn Nguyên Ngọc, Châu Diên, Phạm Xuân Nguyên và một số người khác nồng nhiệt khen ngợi Bóng đè. Nhà văn Nguyên Ngọc nói, với trong vài năm trở lại đây ông có tâm trạng bi quan về văn chương Việt Nam. Nhưng với Bóng đè, ông nhận ra mình đã lầm. Ông cho rằng, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trước đây, Đỗ Hoàng Diệu là một bất ngờ và sự ra đời một cuốn sách như Bóng đè đánh dấu mốc khởi đầu của một thời kỳ mới. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá cao tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu:
“ Thường có một câu hỏi: Nhà văn viết bằng trực cảm hay bằng ý thức hoàn toàn tỉnh táo? Tôi nghĩ có lẽ bằng cả hai. Và cũng có lẽ một trong những dấu hiệu đáng tin cậy để nhận ra một tài năng văn học là đọc họ ta cảm thấy cứ như bằng trực cảm, bằng một thứ ăngten riêng, dường như họ nhận ra được và truyền đến cho chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm về con người, xã hội, về đất nước, thậm chí về số phận dân tộc, mà chính bằng luận lý họ lại cũng không nói ra cho rõ được.
Tôi cho rằng ta có thể chờ đợi ở Đỗ Hoàng Diệu một tài năng như vậy qua một số truyện ngắn còn khá ít ỏi của chị ta đã được đọc.
Trong những truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà.
Những phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu là những người phụ nữ bị đeo đuổi vì “một thứ tội tổ tông”, những phụ nữ “quá thông minh nhưng quá cả tin”, có “tấm thân cong lên hình chữ S, một chữ S cố phản kháng”, song lại luôn nghĩ mình “là nô lệ... cả từ nghìn năm nay... từ khi chưa sinh ra đời”...
Có lần tôi đã thử nói về một dòng “văn học tự vấn” khơi mào từ Nguyễn Huy Thiệp, tự vấn cần thiết và lành mạnh (vì biết tự vấn bao giờ cũng là một dấu hiệu của sự lành mạnh về tinh thần) của dân tộc. Có phải Đỗ Hoàng Diệu đang tiếp tục con đường đáng quí đó, có phần càng da diết hơn, vì lại thấm đẫm nữ tính, tỉnh táo nhiều khi đến tàn nhẫn mà vẫn thật mê hoặc...”
Và nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho rằng:
“Để chuyển tải được một thông điệp có nhiều lớp nghĩa như vậy, Bóng đè đã được xây dựng như một ẩn dụ sâu sắc trong một câu chuyện nhiều nhục cảm. Chính lối viết này là một sự táo bạo của tác giả, và nó là thích hợp cho sự thể hiện chủ đề tác phẩm. Tình dục (hay sex) ở đây đã trở thành một yếu tố nghệ thuật cần thiết. Bởi sự mô tả gần như tỉ mỉ, chi tiết cảm giác nhục thể của nhân vật truyện là đồng thời mang ý nghĩa thực và hư, cụ thể và tượng trưng. Vu quy cũng vậy, sự chung đụng của cô gái trong truyện với mấy người tình là mang nghĩa tượng trưng, cô chưa biết tương lai đời mình sẽ gắn bó với ai, chẳng lẽ là với xác ướp. Thân phận cô gái là thân phận đất nước, vu quy vẫn chỉ là ước vọng.
Truyện ngắn Bóng đè hay là vì vậy, theo cách đọc văn bản nghệ thuật của tôi. Có những người khác thấy nó là phản chính trị, phản đạo đức, thì đấy là tùy cách đọc của họ. (Dịp này đang kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du, tôi liên tưởng đến những nhà nho thủ cựu một thời coi Truyện Kiều là “dâm thư” nên đã khuyên răn: “Đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều”. Ôi chao, từ Truyện Kiều đến “Bóng đè” đã cách hai thế kỷ rồi!). Nhưng vậy là ở đây có sự khác nhau về quan niệm, về cách đọc. Tuy nhiên, khác nhau thế nào thì cũng phải trên cơ sở văn bản in ra. Do đó, điều kiện đủ cho tác phẩm hay là phải bắt đầu từ quan niệm hay như một quá trình động, biện chứng. Và như thế thì không thể tiên quyết đứng trên một quan niệm hay cố định, tĩnh tại để quyết định cái viết nào là được in ra, còn cái viết nào là cấm in, cấm phát hành. Cuốn truyện Bóng đè được ra tại nhà xuất bản Đà Nẵng, và hiện giờ nơi đó đang bị sức ép từ phía những ý kiến phê phán nặng nề cuốn sách. Còn những ý kiến đánh giá cao tác phẩm thì không được coi trọng từ phía quản lý xuất bản. Thế thì sao nào? Thế thì văn học Việt Nam khó có tác phẩm hay, nhất là những tác phẩm hay vượt ra ngoài thói quen, khuôn khổ thông thường.”
Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu là sex, là đồi trụy, là hạ bệ quá khứ, là “những chuyện tình dâm ô”,“quên đi cội nguồn văn hóa để viết ra những câu chữ mang nội dung thô tục”, “phản giáo dục và vô trách nhiệm, làm bẩn tâm hồn người đọc”, “làm nhục văn chương và văn hóa Việt” … được đăng tải trên các phương tiện báo chí và mạng internet. Có ý kiến vừa khen vừa chê như nhà thơ, nhà văn Đông La: “…ĐHD thuộc loại thứ hai, cô có nhiều tố chất văn chương, khi viết, hiện thực với cô chỉ là cái cớ, thậm chí cô còn bịa ra cả hiện thực để mã hóa, cài đặt ý tưởng của mình. Cô dẫn chuyện khá nhuần nhuyễn, khéo che đậy, khiến đa phần độc giả lầm, đến nỗi cô phải thanh minh: “Tôi đã và sẽ luôn khẳng định rằng tôi chưa bao giờ viết về tính dục cả. Tôi chỉ mượn tính dục làm cái vỏ để chuyển tải những thông điệp khác của mình”… Còn ĐHD, chắc chắn cô có tài văn rồi, rất tài nữa là đằng khác, nhưng khi 50 tuổi, trải đời hơn, học nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, bớt nông nổi, cô sẽ viết khác và thuyết phục hơn. Bởi kiểu truyện của cô là kiểu dành cho những người có trí tuệ”.
Chúng tôi cho rằng, khi tiếp nhận một tác phẩm văn học nói chung và Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu nói riêng, người đọc đứng trên lập trường cái Đẹp, tinh thần nhân văn để đánh giá tư tưởng nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cũng như khi chúng ta đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du, những bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có nhiều điểm nhìn khác nhau nhưng đều tập trung về giá trị của con người, của dân tộc để cảm nhận, đánh giá đúng đắn chiều sâu, đánh giá toàn diện tác phẩm để văn học Việt Nam có nhiều thành tựu trong thế kỷ XXI.
Tóm lại, những nhà văn trẻ đang dấn thân kiếm tìm khám phá những con đường mới đầy khó khăn, gian nan. Họ viết như đường văn trước họ chưa có người đi. Họ viết, bất chấp những ràng buộc thành văn và không thành văn trên trang viết và ngoài trang viết. Họ viết, theo sự thôi thúc của văn chương và theo chính họ. Chính vậy nên họ đã có được những tác phẩm hay, mang tính đột biến và cách tân mạnh mẽ. Và cũng chính vậy, họ là những nhà văn bị hứng chịu nhiều “đòn roi” nhất của phê bình, của dư luận, cả trong và ngoài văn học. Nhưng họ đã đứng lại được trong văn học bằng tên tuổi mình. Cái hay, nhất là cái hay lối mới, thường gây dư luận và thường là dư luận trái chiều. Cùng những bài thơ của Vi Thùy Linh, truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã được mọi người khen chê trái ngược nhau. Nhưng đó đều là truyện hay, có giá trị và tiếng nói riêng; đã góp phần tạo nên sức sống mới cho nền văn học Việt Nam qua những ý kiến đánh giá, những tranh luận ngược chiều trên văn đàn và xã hội. Những tác phẩm của họ đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn học Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, nhìn chung nền văn học thế giới và của Việt Nam đang có sự vận động mạnh mẽ với nhiều phương diện khác nhau, với những giá trị giống và khác với những giá trị trong quá khứ của nhân loại. Từ đó các nhà văn tiếp tục sáng tạo, thể hiện để chuẩn bị cho nhiều thành tựu văn học xuất hiện và khẳng định giá trị của mình trong lòng độc giả, bước đầu đặt nền móng cho thời kỳ văn học mới phát triển, phù hợp với xã hội hiện đại, xã hội văn minh và nhân văn.
Hoàng Anh Tuấn
hongngan95- Tổng số bài gửi : 32
Join date : 04/10/2011
Similar topics
» KHÁI NIỆM VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
» hien phap my duoc lam ra nhu the nao?
» Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc
» bac ho voi thieu nhi viet nam
» ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN VIỆT NAM
» hien phap my duoc lam ra nhu the nao?
» Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc
» bac ho voi thieu nhi viet nam
» ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN VIỆT NAM
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết