Diễn đàn THCS Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Dạy ra sao, học ra sao?

Go down

 Dạy ra sao, học ra sao? Empty Dạy ra sao, học ra sao?

Bài gửi  yeutinhoc 15/5/2012, 11:35

Sử học thì mênh mông và liên tục cập nhật, GS sử học Phan Huy Lê nói như vậy và cho rằng quan trọng là cần khắc vào tâm khảm các em niềm yêu thích lịch sử đất nước mình, dân tộc mình, niềm tự tin, truyền thống dân tộc hình thành nên tính cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, chứ dạy sử không phải chỉ dạy các chứng cớ lịch sử. Thời đại internet hiện nay, tìm trên Google có đủ hết cả.

Lịch sử là một môn học đặc biệt quan trọng, định hướng tình yêu quê hương đất nước của học sinh và trách nhiệm của một công dân tương lai với vận mệnh đất nước. Nhưng vị thế môn sử những năm gần đây sa sút là có thật. Nhiều học trò vẫn coi Sử là môn "thuộc lòng”, rồi đối phó. Hàng ngàn điểm 0 môn sử khối C trong tuyển sinh ĐH-CĐ những năm qua là sự cảnh báo.

Phải nâng chất lượng dạy và học môn sử ra sao trong nhà trường phổ thông? Cần biên soạn SGK, xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên Sử, phương pháp dạy Sử thế nào? Đâu là những giải pháp? ĐĐK mở diễn đàn "Sử học mênh mông và liên tục cập nhật - Dạy ra sao, học ra sao?”, không nhằm giải quyết một cách toàn bộ và có hệ thống vấn đề này, chỉ hy vọng góp thêm tiếng nói giúp học trò tự nguyện, say mê, sáng tạo học sử, xã hội nhận thức đúng vị thế của môn Sử trong giáo dục phổ thông...

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả quan tâm.

GS. Phan Huy Lê
Sử học giúp hình thành bản lĩnh

Tôi nghe tin tượng Đức thánh Trần cao 11m đã được dựng lên ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), phải nói là rất mừng. Từ rất sớm chúng ta đã có tầm nhìn về chủ quyền biển đảo và việc dựng tượng Bác Hồ ở đảo Cô Tô năm 1968 cũng mang một ý nghĩa đặc biệt như thế. Càng ngày càng có những nhận thức lịch sử tốt hơn. Nghe bảo ở Khánh Hòa bắt đầu triển khai giảng dạy nội dung về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Vậy thì tốt lắm. Rất tốt. Những cách dạy lịch sử như thế cần nhân rộng trên cả nước. Nếu nhận thức lịch sử ngày càng tiệm cận gần tới sự thật lịch sử, môn học lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn. Sử học giữ vai trò quan trọng trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị lịch sử và văn hóa, trong hình thành nhân cách, phẩm giá, bản lĩnh con người. Để trẻ em không yêu thích môn lịch sử, quay lưng với lịch sử, sẽ ảnh hưởng tới tương lai dân tộc.

C.A (ghi)

Ông Lai Đức Thụ - Nguyên giảng viên, tổ trưởng Tổ phương pháp khoa Sử-ĐHSP Hà Nội
Bộ môn lịch sử phải được xem là nền tảng văn hoá sâu xa

Chúng tôi là những thế hệ thắp lửa cho thế hệ học sinh của thập kỷ 70-80 thế kỷ trước. Học sinh thời ấy tha thiết với môn sử. Có lẽ cũng do ý thức, tinh thần dân tộc trong chiến tranh. Bản thân giáo viên cũng dạy môn Sử một cách tâm huyết, nên thầy thích dạy, trò thích học. SGK khi ấy chỉ là một công cụ truyền tải lịch sử, chứ không phải quá quan trọng ấn định việc học sinh có yêu thích hay không. SGK thời ấy dài hơn bây giờ nhiều, nhưng dễ đi vào lòng người hơn, không khô cứng như bây giờ.

Nhưng theo tôi, việc học sinh có đam mê lịch sử hay không phụ thuộc nhiều yếu tố. SGK chỉ là một phần. Trước đây, các bộ môn khoa học khác cũng đều được quan tâm, môn sử cũng thế, không phân biệt môn chính môn phụ một cách rạch ròi như hiện nay.

Nhiều năm qua, các cấp chỉ đạo từ trên xuống dưới coi môn Sử không phải là môn chính. Đôi khi cho rằng đó là môn học không có tính khoa học, có năm thi năm không. Điều đó ảnh hưởng tới việc dạy và học và chất lượng môn Sử. Đó là thực trạng chung mà trong 10 năm trở lại đây xảy ra nhiều chuyện cũng đau lòng.

Tôi thường xuyên tham gia chấm thi các môn xã hội tại trường ĐH nên rất sớm nhận ra chất lượng môn Sử bị sa sút trầm trọng. Đối với học sinh THPT, mãi đến tháng 3, tháng 4 mới công bố có thi tốt nghiệp môn Sử hay không, nên học sinh chỉ học đối phó, học gạo kiểu cuốn chiếu, học không có tính hệ thống từ đầu năm học. Hậu quả của việc không coi trọng môn sử và thiếu tính hệ thống trong giảng dạy là kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua, hàng ngàn môn Sử bị điểm 0, những bài thi bị điểm kém, viết sai kiến thức trầm trọng rất nhiều.
Để học sinh yêu thích môn Sử là cả quá trình làm thay đổi nhận thức xã hội. Nhận thức này không chỉ bó hẹp ở người dạy-người học, phải là trách nhiệm của gia đình, trường học, thông tin truyền thông, cơ quan chủ quản ngành giáo dục...

Tại các nước phát triển về giáo dục như Pháp, Mỹ, Nga...người ta đều coi trọng đúng mức bộ môn lịch sử của dân tộc họ. Đó là nền tảng văn hoá sâu xa. Trong bối cảnh hội nhập, việc chấn hưng lại vị thế môn Sử là điều tối quan trọng. Đó cũng được coi là gốc rễ của nền văn hoá.

H.A.T (ghi)

Nguyễn Quang Thứ - Cựu học sinh THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội)
Vì sao tôi dốt sử?

Đó là năm 1976, tôi thi ĐH khối C được 16,5 điểm. 6 điểm Văn, 4 điểm Địa và 6,5 điểm Sử. Đỗ vào ĐH Tổng hợp ngon ơ với môn sử điểm cao nhất. Nhưng tôi biết mình vô cùng dốt sử, điểm khá chỉ vì học vẹt. Ngoài những bài tôi thuộc như cháo chảy để "đối phó” khi thi, thuộc chi tiết sự kiện tỷ mỷ, tôi không hề có vốn sử mang tính hệ thống, không nhớ được về thời kỳ, về những bước ngoặt trong lịch sử. Càng trưởng thành tôi càng xấu hổ với điều này, càng gắng tự bồi bổ kiến thức sử Việt Nam và thế giới, gỡ tội "mất gốc” môn học đáng lẽ vô cùng thú vị đó.

Có một lý do thực tế hồi đó (và có lẽ cả bây giờ) là khi dạy, thầy cô chủ yếu đọc để trò ghi lại. Hoặc nói trò gạch dưới phần nào đó trong sách giáo khoa. Rất ít trò chịu đọc sách lịch sử và khi thi, hầu như ai thuộc lòng nhiều là điểm cao. Có lẽ nhà sử học cũng không tài nào mà ngồi đọc hay viết lại chính xác lịch sử của một dân tộc hay đất nước chứ đừng nói là lịch sử thế giới, nhưng hồi đó thi, kiểm tra là phải viết lại những gì đã xảy ra trong một giai đoạn nào đó, nó nặng nề đến mức viết xong cũng quên luôn.

Bây giờ trò yếu sử, có lẽ còn do thực tại cuộc sống bây giờ khá "thực dụng”. Mấy ai dùng môn Sử để mà kiếm sống được, trừ khi theo chuyên ngành nghiên cứu sử, nên sử chắc chắn không được chú trọng bằng các môn học "thực tế” khác, như khối tự nhiên, ra làm các ngành tài chính ngân hàng, viễn thông, dầu khí... lương cao bổng lắm.

Chính vì vậy, tôi rất xúc động khi được dự những hoạt động các em "chơi lịch sử” ở một số trường THCS. Có em đóng vai Trần Bình Trọng chỉ tay vào mặt giặc nói dõng dạc: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, hóa thân Trần Thủ Độ cung kính mà ngạo nghễ: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”. Các em nhập vai Thánh Tông dò ý tướng soái của mình "Thế giặc như vậy ta nên đầu hàng?”, và đã được Quốc Tuấn trả lời: "Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy đem chém đầu thần rồi sau sẽ đầu hàng”.

Tôi cho rằng SGK sử tới đây nên bổ sung phần lịch sử biển đảo Việt Nam, bởi học trò giờ đây cần hiểu biết sâu sắc về tiềm năng to lớn của biển Việt Nam, lịch sử văn hóa biển, yêu biển để sau này mạnh dạn dấn thân vào mọi hoạt động của biển. Tổ chức cho các em tranh luận, trao đổi nhiều hơn, thường xuyên hơn các vấn đề liên quan đến lịch sử đất nước. Dạy trẻ con khi bắt đầu đi học nên có thói quen học lịch sử đơn giản, như thường xuyên xem bản tin tivi hoặc nghe bản tin của đài phát thanh, đọc báo tin tức hoặc đọc sách lịch sử khi rảnh rỗi. Giáo viên nên hỏi trò hiểu biết gì về sự kiện đó hơn là bắt học sinh đọc lại những gì đã ghi. Học và dạy sử phải đổi mới, mới mong ký ức tập thể của dân tộc không bị phôi pha.

TN (ghi)

GS Đinh Xuân Lâm
Thật sai lầm nếu nghĩ lịch sử là môn học thuộc lòng

Là người nghiên cứu lịch sử đã nhiều năm, tôi thấy rằng nhìn chung trẻ em hay người lớn đều thích nghe chuyện lịch sử, đọc truyện lịch sử, nhất là khi lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của một dân tộc anh hùng. Người dân Việt Nam cũng rất có ý thức tự hào về lịch sử nước nhà nên không có lý do gì khiến họ không yêu bộ môn lịch sử.

Để xảy ra tình trạng học sinh học sử sa sút như hiện nay, tôi cho rằng trách nhiệm lớn nhất là thuộc về người lớn chứ không phải là ở phía học sinh. Theo tôi, đứng về mặt lãnh đạo, môn lịch sử chưa được coi trọng một cách xứng tầm. Cụ thể là trong các môn thi tốt nghiệp thì lịch sử có năm thi, năm không nên dễ gây tâm lý học đối phó không chỉ ở học sinh mà cả ở phía giáo viên. Nhiều bậc phụ huynh, xuất phát từ tâm lý lo lắng cho tương lai của con em mình nên cũng khuyến khích con dành nhiều thời gian cho các môn trong khối thi đại học, đa số là khối A với các ngành sau này ra trường dễ xin việc thay vì ngành xã hội.

Nhiều người đến bây giờ vẫn tưởng rằng lịch sử là môn học thuộc lòng. Đây là một quan niệm sai lầm. Lịch sử là một môn học công phu và khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư suy nghĩ và nhất là sự say mê, sáng tạo. Nhìn vào phương pháp dạy và học sử ở trường phổ thông hiện nay vẫn thấy còn tồn tại nhiều vấn đề. Trước hết là phương pháp dạy học của giáo viên vẫn nặng về áp đặt kiến thức, nhất là với áp lực về thời lượng bài giảng, tiết học làm sao phải "chạy” đủ chương trình đã được quy định...Cách tiếp nhận kiến thức đầy thụ động như vậy chắc chắn sẽ không tạo được sự hứng thú với môn học, càng khó kích thích trẻ say mê, sáng tạo là lẽ đương nhiên.

Vì vậy, để việc dạy và học sử hiệu quả thì một trong những việc cần làm ngay và phải làm một cách quyết liệt, thực sự là thay đổi phương pháp dạy môn lịch sử của giáo viên. Riêng với vấn đề sách giáo khoa lịch sử, theo tôi, không nên thay mới hoàn toàn vì như vậy rất tốn kém mà hiệu quả thì chưa chắc được bao nhiêu. Trên cơ sở sách giáo khoa cũ đang sử dụng, có thể mời các chuyên gia cũng như những nhà giáo dạy sử có uy tín lâu năm để rút kinh nghiệm, sửa chữa nâng cao từng bước.

Thu Hương (ghi)
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1423&chitiet=50089&Style=1

yeutinhoc

Tổng số bài gửi : 13
Join date : 19/10/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết